Cha mẹ và con cái lẽ ra phải là mối quan hệ thân thiết nhất trên đời, là nơi nương tựa vững chắc nhất. Nhưng ngày nay, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã không còn sự thân thiết, tin tưởng nhau như thế nữa, mà thậm chí đã trở thành “kẻ thù” của nhau. Tại sao lại như vậy?
Đằng sau hầu hết mối quan hệ căng thẳng giữa cha mẹ và con cái, thường có những ông bố bà mẹ coi con như sinh mệnh và yêu con đến nỗi không để chúng có một chút riêng tư nào.
Họ thức khuya dậy sớm, ăn uống qua loa, dành hết thời gian, tinh thần và tiền bạc cho con cái. Những điều “tốt đẹp” mà cha mẹ dành cho con cái không có gì gọi là “xấu”. Chỉ là tình yêu cho con quá lớn, quá kiểm soát, khiến con cái cảm thấy tù túng, ngột ngạt.
Người ta thường nói: Nỗi buồn lớn nhất của một gia đình đó chính là nuôi dạy con trở thành kẻ thù. Những kiểu cha mẹ dưới đây rất dễ khiến con cái cảm thấy tổn thương, mệt mỏi, theo thời gian còn nhen nhóm trong lòng chúng một mối thù.
1. Cha mẹ ăn nói độc địa
Trong thực tế cuộc sống, rất nhiều bậc cha mẹ khi thấy điểm số của con mình không được như ý, thường thốt ra những lời nói độc mồm độc miệng. Lúc này, những đứa trẻ thường chỉ biết chấp nhận một cách thụ động, khóc thầm và tổn thương mà cha mẹ không hề hay biết.
“Con thật sự rất ngu ngốc!”; “Sớm biết thế này, lúc trước đã không sinh ra con!”; “Con chẳng bằng 1/10 của người khác!”…
Chắc hẳn các bậc cha mẹ đều đã từng nói những lời nói độc địa như thế này trước mặt con cái của mình. Những bậc cha mẹ có cách ăn nói như vậy thường sẽ trở thành “kẻ thù” lớn nhất trong tâm hồn con trẻ.
2. Cha mẹ yêu cầu hà khắc
Nhiều bậc cha mẹ đòi hỏi con cái phải đứng đầu trong mọi việc, bất kể là hoạt động nào, chúng đều phải đứng ở vị trí thứ nhất.
Những đứa trẻ này bị bức bách đến nỗi mỗi ngày đều cảm thấy rất căng thẳng, tâm trí của chúng hoàn toàn đặt vào cảm xúc của cha mẹ. Đây là bức chân dung chân thực của hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay.
Những bậc cha mẹ hay đòi hỏi như vậy cũng rất dễ trở thành “kẻ thù” trong mắt con cái.
3. Cha mẹ không biết tôn trọng
Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng, con cái là do mình sinh ra, ở trước mặt mình không nên có bất kỳ sự riêng tư nào, cho dù đó là khóa nhật ký, ngăn kéo, cặp sách, WeChat, v.v., tất cả đều phải nằm trong tay của cha mẹ.
Tuy nhiên theo thời gian, nhận thức của trẻ nhỏ sẽ càng ngày càng rõ ràng, đối với cách cư xử quá độc đoán, không coi trọng sự riêng tư này của cha mẹ sẽ khiến chúng cảm thấy phản cảm và mâu thuẫn, càng làm tăng thêm tâm lý nổi loạn, sẽ dùng hết sức để chống lại cha mẹ.
Kiểu cha mẹ này đóng vai trò cực kỳ không tốt đối với sự trưởng thành của trẻ, và rất có thể sẽ trở thành “kẻ thù” trong lòng trẻ.
4. Cha mẹ kiểm soát quá nhiều
Một số cha mẹ hy vọng rằng con cái sẽ phải làm việc theo sự sắp xếp của mình, họ không muốn chúng phạm bất kỳ sai lầm nào. Một khi chúng có những hành vi bất thường, họ sẽ dùng đến bạo lực để răn dạy chúng.
Với những gia đình kiểu này, con cái chỉ có thể nhìn thấy vẻ mặt vui vẻ của cha mẹ khi đã làm theo đúng yêu cầu của họ. Những đứa trẻ lớn lên bên cạnh cha mẹ kiểm soát quá nhiều, trong lòng của chúng phải chịu đựng những tổn thương cực lớn.
Sau khi trưởng thành, các kỹ năng xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng, và sự oán hận của chúng đối với cha mẹ sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Kết luận
Mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn con cái được hơn người, thành rồng thành phượng, tiếc rằng chính vì mong muốn mãnh liệt ấy mà mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên bấp bênh.
Đương nhiên, tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là điều không thể nghi ngờ. Nhưng cũng chính vì quá yêu thương mà đã đẩy chúng đến con đường đối lập với mình.
Không có bậc cha mẹ nào lại không muốn con mình vươn lên. Chỉ là cuộc đời chỉ có một, cha mẹ hãy biết tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, cũng để cho con cái tự tay nắm lấy cuộc đời và chịu trách nhiệm với chính nó.
Một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào phụ thuộc vào giá trị của tình yêu thương, sự đồng hành và hình mẫu mà chúng nhận được từ chỗ của người giáo dục chúng. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái, và họ cũng là những nhà giáo dục suốt đời. Vậy nên, mong bạn và tôi, những bậc làm cha làm mẹ, hãy là một tấm gương soi sáng cho cuộc đời của những đứa con mình.
Nguồn tinhhoa.us