Chữ hiếu - Đạo làm con


1. Chữ hiếu (孝 - hiếu thảo, hiếu đễ) trong chữ Nôm, viết giống chữ hiếu trong chữ Hán, là chữ viết tắt của chữ Khảo (考 - già) ở trên (lược bớt phần dưới) và chữ tử (子) ở dưới. Giáp cốt văn (chữ cổ viết trên mai rùa) hơn ngàn năm trước, chữ hiếu có hình tượng người con cõng cha mẹ trên lưng. Như vậy chữ hiếu được biểu thị bằng mối quan hệ cha (mẹ) trên lưng, con ở dưới; suy rộng ra đó là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, lấy phụng dưỡng cha mẹ làm đầu…

Do vậy từ xưa đến nay, trong quan niệm của dân tộc ta, chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”, trong trăm hạnh của con người, hạnh hiếu đứng đầu. Lời của Khổng Tử bàn về đạo hiếu rằng: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm”.

Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (1970), định nghĩa phụng dưỡng như sau: “Chăm sóc, nuôi nấng người bề trên - phụng dưỡng cha mẹ già”. Chữ phụng được sách này định nghĩa: “Vâng theo lệnh trên - dâng lên”; chữ dưỡng: “nuôi nấng, dạy dỗ - cha sinh, mẹ dưỡng đức cù lao”. Như vậy trong hai chữ phụng dưỡng cha mẹ còn hàm chứa cả nỗi nhọc nhằn (cù lao). Và trong sự nhọc nhằn đó, nếu không nhớ tưởng đến công ơn đấng sinh thành, thiếu tình yêu thương, kém thấu đáo chữ hiếu thì con cái sinh ra sự bê trễ, bỏ mặc… Ấy vậy nên ca dao xưa có câu: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.

2. Chăm sóc cha mẹ già, không chỉ có dưỡng mà còn phải phụng. Trong Kinh Trường Bộ, Đức Phật dạy rằng, cách đền đáp đúng đắn và ý nghĩa nhất của người con đối với cha mẹ gồm 5 việc phải làm: “Nuôi dưỡng, làm tròn mọi bổn phận người con; giữ gìn gia đình với truyền thống; bảo vệ tài sản thừa tự; và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Hay trong Kinh Tăng Chi Bộ dạy: “Một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, như vậy suốt 100 năm, cũng không đủ để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha”. Điển tích có “Nhị Thập tứ hiếu - 24 câu chuyện hiếu”; Phật giáo có Mục Kiền Liên cứu mẹ, mà dựa theo đó, mỗi năm Vu Lan là lễ lớn nhất để Phật tử thể hiện lòng hiếu kính, báo đáp công ơn cha mẹ.

Trong kho tàng văn học Việt Nam, các bậc trí giả viết sách giáo dục con người biết báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ không thiếu. Ví dụ trong tập Gia Huấn ca của Nguyễn Trãi có đoạn: “Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc/ Xem cháo cơm thay thế mọi bề/ Ra vào thăm hỏi từng khi/ Người đà vô sự ta thì an tâm”. Hay ca dao xưa: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm tiêu biểu của chuyện hiếu đạo. Cuộc đời Thúy Kiều chữ hiếu xuyên suốt trong câu chuyện. Khi gia đình gặp nạn, nàng bán mình làm vợ Mã Giám Sinh với hy vọng giải thoát cha và em trai khỏi cảnh tù tội, đánh đập. Sau khi bị lừa dối, bán vào lầu xanh, Kiều lúc nào cũng thương nhớ và ghi ơn công ơn: “Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày một ngả bóng dâu tà tà”… Cuối cùng vẫn vâng lời cha mẹ, nàng trở về đoàn tụ với Kim Trọng cũng để trả nợ tình và ân nghĩa mà chàng đã dành cho cha mẹ...

Có lẽ hiếm người Việt nào không biết câu hát ru, ngày còn thơ ấu: “Công cha như núi Thái Sơn/ nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ một lòng thờ mẹ kính cha/ cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Bốn dòng thơ lục bát, chứa đựng đạo lý sâu sắc của dân tộc. Và cho đến nay, đời sống có trải qua bao thay đổi lớn lao, tập quán phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già; mất đi thì thờ cúng, giỗ chạp… vẫn tồn tại bền vững trong đại đa số các thế hệ gia đình Việt Nam. Hiếu với cha mẹ là chăm sóc, nâng đỡ khi còn sống, lúc khỏe mạnh cũng như khi ốm đau; chứ đừng để miệng đời: “Sống thời con chẳng cho ăn/ Chết thời xôi, thịt làm văn tế ruồi”.

Theo "baoquangnam.vn"