Nhân chi sơ tính bản thiện. Tu tâm là giữ lấy cái tâm, giữ được bản tánh chân thật, trọn lành như một đứa trẻ. Trong kinh doanh nếu đặt tâm vào tiền sẽ luôn tìm cách để tối đa hoá lợi nhuận. Nếu đặt tâm vào sản phẩm sẽ luôn nghiên cứu, phát triển tính năng mới, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bao bì. Nếu đặt tâm vào người dùng thì luôn tìm cách để phát triển những tính năng cần thiết, có lợi cho khách hàng, giảm thiểu những thứ không cần thiết để tiết kiệm chi phí cho người dùng.
Vậy trong vạn sự hãy đặt tâm vào chữ "tình người" vì đó mới là giải pháp tối ưu. Sản phẩm chắc chắn sẽ được chào đón vì hướng tới lợi ích người tiêu dùng về cả tính năng và giá cả. Cuộc sống thường ngày cũng thế, nếu đặt tâm vào chữ tình thì cây đời nở hoa, gieo đi yêu thương sẽ gặt quả yêu thương.
Tâm là cái bên trong mỗi con người chúng ta, là tâm hồn, là linh hồn, là giá trị tinh thần thiêng liêng. Tâm tốt tất nhiên tính sẽ tốt, không sớm thì muộn. Tu được cái tâm sẽ sửa được cái tính vì trong sao ngoài vậy. Tính cách chính là biểu hiện của tâm hồn. Một tâm hồn đẹp đẽ luôn có những phẩm tính đẹp đẽ, không thể khác được. Có chăng chỉ là vấn đề thời gian.
- Một tâm tính nóng nảy sẽ gây ra nhiều chuyện thị phi.
- Tâm không kiên định thì dễ lung lay, hoán chuyển.
- Tâm bất an thì luôn lo lắng, sợ hãi.
- Tâm đa nghi thì hay suy nghĩ, trăn trở.
- Tâm tham thì sẽ tính toán lợi ích về phần mình.
- Tâm đố kị thì sẽ dèm pha, đặt điều
- Tâm phân biệt sẽ so sánh, đánh giá
Nếu tâm bạn còn nhiều vướng mắc bạn sẽ bất an, bởi vì bạn bất an nên bạn bị hối thúc "hành động". Hành động giúp giải tỏa, an ủi và cảm thấy yên lòng hơn. Tu tâm chính là giải tỏa tất cả mọi khúc mắc, lo lắng để tâm luôn tĩnh tại, an lạc trước mọi điều kiện, hoàn cảnh sống. Là tìm về bản nguyên gốc của con người khi mới sinh thành, hồn nhiên, vô tư, trong sáng như một đứa trẻ. Một đứa trẻ luôn có rất nhiều đặc điểm đáng yêu, vì thế đứa trẻ mang lại niềm vui và tiếng cười cho chính nó và cho mọi người xung quanh.
SỬA TÍNH
Tính là phần tính cách, thói quen, bản năng của bạn. Có thể chia ra làm hai nhóm cụ thể như sau:
Nhóm chỉ hành động dựa trên ý thích: Bạn chơi game bởi vì game giúp bạn thư giãn, giải toả căng thẳng và vui vẻ. Bởi vì bạn thích nên bạn mới chơi, vì bạn thích nên bạn mới vui vẻ.
Nhóm chỉ hành động dựa trên nỗi sợ: Vì bạn sợ bố mẹ mắng nên bạn phải về nhà đúng giờ, vì sợ bị điểm kém nên bạn phải học bài, vì sợ bị gọi lên bảng nên bạn phải co mình và trật tự.
Sống trong nỗi sợ thì khổ còn nếu làm mọi thứ trong niềm yêu thích thường vui. Tuy nhiên có những sở thích "bất hợp pháp" lại cần phải sửa. Đó là những sở thích không đẹp và mang lại nỗi sợ vì "phạm luật". Hầu hết chúng ta đều thuộc cả hai nhóm trên. Sửa tính tức là thay đổi thói quen, sở thích từ chỗ do chán ghét, sợ hãi thành những thói quen, hành động xuất phát từ niềm yêu thích, đam mê.
Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Mỗi người khi sinh ra đều có sở trường và sở đoản. Chúng ta đều có những cái gọi là "năng khiếu", là thứ khiến bạn yêu thích, đam mê, có nhiều động lực để khám phá, tìm hiểu. Nếu nhắm trúng sở đoản mà phát triển thì cuộc đời bạn sẽ chẳng có chút hứng khởi nào hết. Vậy nên bạn chỉ cần giỏi đúng cái bạn giỏi là đủ.
Hôm nay bạn có hứng thú với đam mê A thì hãy cứ cháy hết mình với nó. Tháng sau lại hứng thú với đam mê B thì cứ thử trải nghiệm. Cũng chẳng phải người ta nói A hơn B bạn lại thôi. Biết đâu đấy B mới là "gu của bạn". Đôi khi những cái bạn thích có vẻ hơi điên rồ nhưng nếu thấy khả thi thì cứ tự tin hành động. Cuộc sống của bạn sẽ luôn là những đam mê bất tất, niềm vui, khát vọng và động lực tuôn trào.
Không phải người ta đua nhau đi làm từ thiện bạn cũng đi làm theo phong trào. Nếu đó không phải niềm yêu thích của bạn, bạn sẽ sớm cảm thấy nhạt nhoà, thiếu sức sống. Hãy cứ làm những thứ bạn thích, những thứ bạn giỏi, bạn đam mê mới có thể được lâu bền và phát triển.
Đôi khi những phần tính cách chưa đẹp của chính mình, mình không tự nhận ra được do nó đã thành một phần của thói quen, bản năng, tập tục nên cần có người khác chỉ điểm, nhắc nhở. Muốn thế mọi người cần có tâm thái lắng nghe, cởi mở, sẵn lòng đón nhận.
Người chỉ cho bạn khuyết điểm của mình là người muốn giúp bạn tốt lên. Thường chỉ có bạn thân mới thẳng thắn góp ý với nhau, bởi vì họ yêu thương nhau và không chấp nhặt, để bụng. Vậy những người thật lòng góp ý nên thẳng thắn phân tích, lập luận logic để người nghe đón nhận và tự đưa ra quyết định của mình.
Dù sao, tính mình chỉ mình sửa chứ không ai sửa hộ được nên tất cả đều chỉ là tham khảo. Mình mới là người quyết định cuối cùng. Nghe thấy hợp lý, ưng ý, thích thì sửa. Còn nếu chưa thích cũng không cần thúc ép bản thân. Mình sửa mà càng sửa càng dồn nén, khó chịu thì không nên. Hãy sửa ở trong tâm thái vui vẻ, hoan hỉ mới thật là đang sửa.
Nhân vô thập toàn, vàng chẳng có vàng mười, ngọc còn có vết vậy nên cũng đừng bắt mình phải hoàn hảo, cũng đừng ép người phải thế này, thế kia. Bạn không cần phải giỏi thứ người khác giỏi, bạn chỉ cần là chính mình, sống với khát khao, đam mê như bạn là chính bạn. Bạn độc nhất, vô nhị, bạn có "chất riêng" của bạn, bạn chẳng cần là bản sao của ai hết.
Xã hội đào tạo dập khuôn sinh ra những con người na ná nhau với tính cách cũng na ná nhau. Điều đó thật tẻ nhạt, thử tưởng tượng một thế giới mỗi người một vẻ, độc đáo và khác lạ. Điều đó giống như bạn đang tham gia một lễ hội vậy, cuộc sống ngày nào cũng sẽ là lễ hội bởi vì có quá nhiều thứ mới lạ để tìm hiểu và khám phá. Hãy quan sát một đứa trẻ, chúng luôn tạo ra những bất ngờ thú vị mặc dù có thể "hơi lạ", ngây ngô và ngờ nghệch nhưng chắc chắn là rất vui.
Khi bạn đã trải qua các cung bậc của nhân sinh cảm ngộ, quan sát thế gian với biết bao nhân tình, thế thái lại chợt thấy chính mình ở trong đó. Thấy sự ngốc nghếch, ngờ nghệch, ngây ngô đến ngộ nghĩnh mà trước đây bạn cũng "đã từng" như thế. Lúc ấy miệng sẽ nở một nụ cười, tâm bao dung hòa ái, cảm khái mà quan sát cuộc sống với một góc nhìn "trong veo" như một đứa trẻ đang khám phá thế giới.
Hoàng Nhật Minh.