Đức huệ của Phật Gia: Tôn trọng người khác là sức mạnh ngàn quân


Câu chuyện thứ nhất: Tôn trọng người khác là sức mạnh ngàn quân
Ngày xưa, có một trưởng lão của một ngôi chùa Thiền tông rất giỏi làm bánh nướng. Những chiếc bánh nướng của nhà chùa làm ra vừa thơm, vừa ngọt, những người hành hương lên núi đều rất thích, họ đều bỏ tiền mua bánh để thưởng thức, vì thế hương hỏa của nhà chùa rất thịnh vượng.

Một ngày, có một người hành khất nhìn rất mệt mỏi từ phương xa đến chùa, lớn tiếng đòi thử bánh nướng. Những tiểu hòa thượng nhìn thấy người này vừa nhếch nhác, vừa bẩn thỉu nên đã không cho anh ta vào bếp, hai bên lời qua tiếng lại không dứt.

Lúc đó, trưởng lão xuất hiện, ông quở trách các đệ tử và nói: “Người xuất gia vì lòng từ bi, các con sao lại có thể làm thế được?” Rồi trưởng lão đích thân chọn cho người hành khất một chiếc bánh nướng to, cung kính mời người hành khất thưởng thức.

Người hành khất vô cùng cảm động, sau khi ăn xong liền lấy ra ba đồng tiền duy nhất mà mình có và nói: “Đây là toàn bộ số tiền mà tôi xin được, hy vọng trưởng lão có thể nhận nó”
Vị trưởng lão đã thực sự nhận tiền, hai tay hợp thập, trân trọng nói: “Thí chủ lên đường tốt lành!”
Các đệ tử đều rất khó hiểu bèn hỏi trưởng lão: “Đã là bố thí cho người ăn xin, thì sao lại có thể lấy tiền đó được?”

Trưởng lão đáp: “Anh ta chẳng phải từ nơi xa ngàn dặm đến đây chỉ vì muốn nếm thử cái bánh này, vì vậy cần phải cho anh ta ăn thử miễn phí; anh ta có tâm vươn lên thế này là rất hiếm có, hiểu được đạo lý đối nhân xử thế, vì vậy cần phải lấy 3 đồng tiền ấy của anh ta. Được sự khích lệ trân trọng này, thành tựu trong tương lai của anh ta nhất định sẽ lớn”.

Các đồ đệ hoàn toàn không đồng ý, trong tâm họ nghĩ thầm: “Sư phụ của chúng ta thật là hồ đồ, nói như đang mơ ngủ vậy”.

Mấy chục năm sau, có một vị thương nhân rất giàu có lên núi chỉ để cảm ơn về bữa ăn năm đó. Điều làm cho các lão hòa thượng giật mình sửng sốt là ông ta chính là người hành khất bỏ ba đồng tiền để ăn bánh trước kia!

Bố thí chiếc bánh có thể giúp cho người hành khất tránh được nỗi khổ đói khát, ngược lại lấy tiền bánh của người hành khất có thể làm cho anh ta thấy nhân cách của mình được tôn trọng. Ăn đầy bao tử chỉ có thể giải quyết nhu cầu tạm thời, nhưng sự tôn trọng về mặt tinh thần lại có thể khích lệ cả cuộc đời một con người. Đây chính là chỗ cao minh của trưởng lão.


Tôn trọng người khác là một sức mạnh có thể khích lệ người ta đi theo con đường chính đạo: Tôn trọng người khác đôi khi có thể khích lệ cả cuộc đời của họ, từ đó thay đổi vận mệnh của họ. Chúng ta cần học cách biết tôn trọng người khác. Sự tôn trọng kết hợp với tấm lòng nhân ái thường sẽ mang lại kết quả tốt đẹp bất ngờ. Hãy đối đãi với thế giới này bằng cả tấm lòng, hãy tôn trọng chính mình và tôn trọng tất cả mọi người bằng cả tấm lòng, lúc đó bạn sẽ phát hiện rằng bạn và những người xung quanh đều có tiềm lực vô hạn!

Câu chuyện thứ hai: Nhiệt tình giúp người khác, cứu thoát người khác trước

Thủa xưa, có một hòa thượng trẻ trên đường đi hóa duyên về thì không may bị hai người bịt mặt bắt đi. Hòa thượng bị trói hai tay ra sau lưng, hai chân cũng bị trói chặt, không cách nào đứng dậy được, sau đó lại còn bị bịt mắt, bịt miệng, cuối cùng, vị hòa thượng này bị nhốt vào một gian phòng ẩm ướt.
Anh ta cảm nhận mình bị ném vào một góc tường, vừa bực tức vừa sợ hãi, cảm thấy hoàn toàn bất lực, thậm chí còn cảm nhận được hơi thở âm u của cái chết. Sau một hồi vùng vẫy, cuối cùng lúc kiệt sức và tuyệt vọng, bỗng anh ta nghe thấy ở cách mình không xa có tiếng thở hổn hển, tiếng cựa quậy. Thế là anh nặng nhọc dịch từng chút một về hướng phát ra âm thanh ấy.

Ngay lúc anh ta chạm được đến người cũng bị trói kia, anh mới cảm thấy có một chút hy vọng được sống. Bằng cảm giác của mình, anh cố gắng dịch đến phía sau lưng người đó, úp lưng vào lưng người ấy, sau đó bắt đầu dùng những ngón tay còn có thể hoạt động của mình, lần tìm nút dây trên cổ tay người ấy. Sau một hồi cố gắng, anh đã thực sự mở được nút dây thừng trên cổ tay người kia. Ngay khi hai tay của người ấy được cởi trói, lập tức bịt mắt của hai người cũng được cởi, tiếp đó là mở trói hai tay cho anh ta. Hai người sau đó tự cởi trói chân của mình. Điều làm cả hai người ngạc nhiên và xúc động hơn đó là họ đều là hòa thượng của một ngôi chùa.

Hai người ngầm phối hợp với nhau để mở cửa sổ sau của gian phòng, lần lượt trèo qua cửa sổ thoát thân, chạy về chùa. Cả hai đều được cứu.

Hai người chưa định thần chạy đến gặp lão phương trượng trụ trì chùa để kể về cảnh ngộ kinh hãi họ gặp phải, lão phương trượng mỉm cười không giấu giếm nói: “Hai người các con trong nguy nan đã ngộ ra được con đường giải thoát, chúc mừng hai con… Ngày mai, chính các con đi giúp đỡ hai sư đệ khác khai ngộ nhé”. Nói xong, phương trượng đưa cho họ hai tấm khăn trùm đầu và bốn sợi dây thừng.

Đôi khi chúng ta bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có cách nào để thoát ra, Lúc này chúng ta thường hy vọng được người khác giúp đỡ để được giải thoát. Kỳ thực, rất nhiều lúc chính chúng ta giúp đỡ người khác giải quyết khó khăn, mới có thể tự giải thoát được bản thân mình. Cũng giống như khi chúng ta dọn đá cản chân người khác, cũng chính là làm bằng phẳng con đường đi của mình.

Câu chuyện thứ ba: Đòn gánh
Vào thời cổ, có hai hòa thượng, mỗi người mang theo một hòm hành lý đi đường. Trên đường đi, hòm hành lý nặng trĩu làm cho họ thở không ra hơi. Họ đành phải liên tục đổi tay, khi tay trái mỏi thì đổi sang tay phải, khi tay phải mỏi thì đổi sang tay trái.

Đột nhiên, một hòa thượng dừng lại, mua một chiếc đòn gánh ở bên đường, treo hành lý của người ở hai bên đòn gánh.
Anh ta gánh cả hai chiếc hòm lên đường và cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Anh ta đã giúp đỡ người khác, nhưng cũng chính là giúp đỡ bản thân mình.
Câu chuyện thứ tư: Quý ở hai chữ “ngay chính”

Cao tăng Huệ Năng vì để khảo nghiệm huệ căn của rất nhiều tăng lữ trong chùa nên đã cho tu sửa pháp tượng Đạt Ma rất trang nghiêm trên đỉnh núi Phi Lai, và truyền lời rằng, các đồ đệ của chùa, ai có thể quang minh chính đại chạm tới huệ nhãn của sư tổ, người đó sẽ là người được truyền thừa y bát.
Các hòa thượng nghe thấy liền âm thầm bàn luận sôi nổi, vì sao trưởng lão trụ trì muốn tu sửa tượng Đạt Ma, phải chăng là vì để chuẩn bị cho tương lai, ai có thể chạm được với huệ nhãn của sư tổ sẽ là người được kế vị trụ trì chùa. Người ta cũng nói rằng đường lên đỉnh núi rất gập ghềnh khó đi, thậm chí có không ít các cao tăng đã viên tịch trên đường lên đỉnh núi. Có thể thấy rằng đường lên núi vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Trong chùa có một vị tăng nhân sớm đã dò ra lối đi tắt lên đỉnh núi, đi theo theo hướng đường tắt này, có thể rút ngắn đi một nửa chặng đường, thời gian đi đến đỉnh núi cũng nhanh hơn rất nhiều. Còn có những tăng nhân tập hợp thành nhóm đi lên theo con đường lớn bằng phẳng phía sau núi, chặng đường tuy dài nhưng bằng phẳng không có trở ngại nào.

Chỉ có một tăng nhân tên là Tâm Thiền đã quyết định đi lên đỉnh núi bằng con đường chính phía trước. Con đường chính lên đỉnh núi Phi Lai, thế núi dốc đứng, đường quanh co khúc khuỷu, đầy các bụi cây gai góc. Tâm Thiền từng bước từng bước gian nan trèo lên, vượt qua mọi chông gai, đổ không biết bao nhiêu mồ hồi và cả máu.

Lên đến đỉnh núi, Tâm Thiền thấy rằng rất đông các sư huynh sư đệ đã đến trước đứng trước tượng phật Đạt Ma thân vàng, họ đang chăm chú nhìn Tâm Thiền lững thững đến muộn.

Tâm Thiền cũng không cảm thấy xấu hổ, chầm chậm bước lên tượng Phật chạm vào huệ nhãn.
Ngay lúc này, cao tăng Huệ Năng bước ra tuyên bố Tâm Thiền có đủ huệ căn, có thể được truyền thừa y bát và quyết định truyền lại vị trí trụ trì trong tương lai cho Tâm Thiền. Chúng tăng nghe thấy vô cùng kinh ngạc, một số tăng nhân phàn nàn: “Tâm Thiền đến muộn nhất, phương pháp cứng nhắc, có thể nói không khôn ngoan chút nào. Vị trí trụ trì ấy sao có thể để anh ta ngồi được?”

Tuy nhiên, Huệ Năng nói: “Đời người trong giới tu hành, quí là ở hai chữ ngay chính. Lời nói cần phải ngay chính, suy nghĩ cần phải ngay chính, hành vi cần phải ngay chính. Mọi người đều đi đường tắt, chỉ có Tâm Thiền theo đường chính diện từng bước từng bước leo lên; mọi người đều đi theo đường lớn, chỉ có Tâm Thiền đi trong gai góc, cam chịu đổ mồ hôi và máu. Con đường anh ấy đi là con đường của vị Phật chân chính, còn chư vị thì lại không phải. Ta sao có thể giao chùa này cho những người có hành vi bất chính được? Hãy nhớ: Cần phải đi trên con đường chính đạo!”
Mọi người im lặng không nói được gì nữa.

Lời nói cần phải ngay chính, suy nghĩ cần phải ngay chính, hành vi cần phải ngay chính, đó là thước đo của Phật, đó là sự tu hành của Phật. Trước những lựa chọn trong sự nghiệp hoặc tình cảm của mình, điều mà rất nhiều người nghĩ đến trước hết là tìm cách đi tắt; hơn thế nữa, còn có người đi theo con đường sai lầm. Cả hai cách đó đều không phải là hành động sáng suốt. Con người ta sinh ra ở đời, cho dù bạn làm bất kỳ việc gì, đều phải từng bước cẩn thận, chắc chắn. Không được chỉ vì cái lợi trước mắt, cũng không được đầu cơ trục lợi, càng không thể bất chấp mọi thủ đoạn, nếu không sẽ bị lầm đường lạc lối.Thời thời khắc khắc đều phải ước thúc bản thân đi theo con đường chính đạo

(Theo Truyện cổ Phật giáo)