Tôn trọng và thiện đãi người già


Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Trong nhà có một người già như có một báu vật”. Câu tục ngữ này nói lên tầm quan trọng của người già trong gia đình. Thế hệ trẻ ngày nay nghe câu này chỉ cảm thấy thật buồn cười, bởi vì họ không cảm nhận được người già quan trọng như thế nào.

Trong tâm tôi luôn kính trọng người già. Tôi sinh ra sau thời cách mạng văn hóa, còn nhớ khi đó trong nhà không có đèn điện, điện thoại, người ta dùng đèn dầu để thắp sáng, nhà nào điều kiện kinh tế khá hơn chút thì dùng nến, mà cũng không được dùng thường xuyên. Trẻ con muốn chơi thì phải tự làm đồ chơi. Lúc đó, lũ trẻ con chúng tôi chơi rất vui vẻ, vì nghịch ngợm nên khó tránh khỏi phạm lỗi sai. Nhưng ông bà nội đều rất nhân từ và khoan dung với chúng tôi, họ không nghiêm nghị, la mắng, mà dùng ngôn từ nhẹ nhàng giảng đạo lý cho chúng tôi, ông bà thường kể cho chúng tôi những câu chuyện làm bài học.

Vào buổi tối mùa hè, cả nhà ăn cơm tối xong ra sân ngồi hóng mát và nghe ông bà nội kể chuyện. Đối với lũ trẻ chúng tôi mà nói, những câu chuyện ông bà kể rất mới lạ, lý thú, chuyện kể về đạo lý thiện ác hữu báo, nhận thức về các sinh mệnh ở không gian khác như Thần, Phật, ma quỷ, và cách giải quyết khi gặp những sự việc như vậy. Giờ đây nghĩ lại, những câu chuyện đó thực sự có ý nghĩa suốt cuộc đời tôi. Những câu chuyện đã gieo vào tâm hồn nhỏ bé của chúng tôi những hạt giống về tích đức hành thiện, làm người tốt để có một tương lai tốt đẹp.

Mỗi năm vào ngày mùng một tết, theo phong tục thế hệ sau đến chúc tết thế hệ trước, họ làm lễ khấu đầu và tặng tiền lì xì. Tôi tận mắt chứng kiến một người già hơn 60 tuổi khấu đầu trước bà nội tôi hơn 80 tuổi, bà nội ngồi ngay ngắn trên ghế bành nhận lễ, và rút bao lì xì tặng cho người kia, ông già đưa hai tay đỡ lấy, nghi thức rất đơn giản mà trang trọng. Mọi người đứng xem đều rất nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính với người già.

Khi đó mọi người phân theo vai lứa, không phân già trẻ, cứ theo thế hệ mà xưng hô với nhau, ai cũng rất chú trọng lễ tiết. Đặc biệt là những người cao tuổi có đức cao vọng trọng, có vai vế trong làng, họ gần như là những người trụ cột trong các sự việc ma chay cưới hỏi, thậm chí là giải quyết mâu thuẫn gia đình, nếu mời những người này đến thì hai ba câu là giải quyết xong, mà mọi người đều thỏa mãn, vui vẻ. Nghe người trong thôn kể rằng ông nội tôi là một người như vậy, ông rất giỏi giải quyết các mâu thuẫn một cách êm thấm, các bên đều được lợi. Ngay cả những chuyện nhỏ trong làng như vợ chồng cãi nhau, người ngoài không ai khuyên nổi, nhưng ông nội tôi chỉ đứng ở sân ho hắng mấy tiếng là vợ chồng lập tức không cãi nhau nữa. Người già có vai trò lớn như vậy!

Hiện nay, rất nhiều hình thức nghi lễ truyền thống đã bị coi là phong kiến, mê tín, nhiều phong tục bị thay đổi, sự phân cấp vai vế trong dòng tộc cũng bị phá vỡ, trẻ con hiện nay trông thấy bậc bề trên cũng không chào hỏi, trên dưới đều gọi nhau theo tên, sự kính nể, tôn kính đối với người già cũng nhạt dần.

Phong tục người già kể chuyện đã được lưu truyền từ xa xưa và vô cùng hữu ích, những câu chuyện mà ông bà nội tôi kể đều chứa đựng những hiểu biết của người xưa về vũ trụ, sinh mệnh, những câu chuyện này rất thông tục, dễ hiểu và dễ nhớ, giúp truyền thừa và duy trì những giá trị đạo đức của con người, giúp con người không trở nên bại hoại quá sớm. Nhưng thực tế hiện nay, thuận theo sự suy thoái về đạo đức đã làm suy yếu đi vai trò của người già, khiến người già có cũng như không, thậm chí còn coi người già như người giúp việc.

Hiện nay những việc như vậy vô cùng phổ biến, tôi đã chứng kiến ông bà nội tôi dắt cháu ra ngoài chơi, bà nội dặn dò ông: “Chúng ta phải trông cháu cẩn thận, nó mà ngã thì về nhà không xong đâu”. Nếu ông bà không chú ý để cháu vấp ngã, bố mẹ của cháu về sẽ quở trách, chỉ tay vào ông bà nội mà giáo huấn cho một trận: “Sao ông bà lại trông cháu như vậy, có đứa cháu mà cũng trông không xong …”, vừa nói vừa tức giận, nói không chừng tức quá còn tát cho bố mẹ mình cái bạt tai.

Ngày nay, tuy địa vị của người già không còn quan trọng như trước, nhưng không có nghĩa là tri thức của họ không còn cần thiết nữa. Bố tôi là bác sỹ, tháng 5 năm nay ông đến khám bệnh cho một người già ở thôn bên, chồng bà ấy mất sớm, các con đều đi làm xa nhà, chỉ có mình bà ở nhà. Bà thường kể với hàng xóm: “Ngày nào cũng có một người phụ nữ dắt đứa trẻ đến ngủ trên giường của tôi, đến giờ ăn thì cầm cái bát ra nồi xới cơm ăn, đuổi thế nào cũng không đi”. 

Hàng xóm và người trong thôn đều không tin, vì bà ấy cứ nhắc đi nhắc lại nên người ta đều cho rằng bà già này bị bệnh thần kinh, nói năng lảm nhảm. Bà ấy cũng nói với bố tôi vài lần, lúc đầu ông không để ý, sau đó ông nhớ ra các cụ già thường nói rằng cây đào có thể trừ tà, ông liền ra chỗ cây đào trước thôn bẻ một cành cây, nói với cụ già: “Bà đặt cành cây này lên trên giường, nếu họ không đi bà hãy dùng cành đào này đánh họ”, kết quả là sau khi đặt cành đào lên giường, hai mẹ con người này không còn xuất hiện nữa.

Thuyết vô thần không thể giải thích được sự việc kỳ lạ này, y học hiện đại không thể trị nổi căn bệnh gọi là “lú lẫn của người già”, vậy mà nghe theo lời khuyên người già truyền lại, dùng một cành đào có thể giải quyết được vấn đề, thật đơn giản mà không tốn kém gì.

Người già mới là cội gốc của xã hội, kinh nghiệm, trí huệ và nhận thức của họ về sinh mệnh, vũ trụ mới là tài sản quý giá của xã hội, trong nhà có một người già thực sự là của báu. Phủ nhận người già, coi người già như giúp việc là hành vi phạm tội, là hành vi cực kỳ vô trách nhiệm đối với thế hệ con cháu sau này.

Theo "chanhkien"