Ngày trước, mỗi khi bị ai đó làm tổn thương, tôi chọn cách im lặng và gặm nhấm
nỗi buồn.
Bây giờ, tôi vẫn chọn im lặng trước hết, không phải vì tôi "hiểm", mà vì tôi
hiểu rằng những lời trách cứ được buông ra trong lúc tâm trạng không được tốt có
thể khiến tôi phải hối hận. Nhưng tôi không chọn buồn lâu như ngày xưa, mà chọn
đối diện với vấn đề, phân tích chúng một cách nghiêm túc.
Tôi hiểu rằng, sự tổn thương luôn bắt nguồn từ việc bản thân cảm thấy bất đắc ý
vì nhận ra ai đó đang cố tình đụng chạm vào cái tôi, cá tính, niềm kiêu hãnh,
những giá trị mà mình trân trọng. Sự tổn thương cũng sẽ xuất hiện khi bản thân
tôi cảm nhận tình yêu thương, sự quan tâm của người khác dành cho mình không đầy
đủ, không giống như cách mà tôi đối đãi với họ.
Vậy thì nguyên nhân sâu xa của
sự tổn thương là do chứng ái kỷ, tự tôn của bản thân và do mình đặt tình cảm,
niềm tin thái quá vào người khác. Biết vậy để tự dặn mình phải biết cân bằng cảm
xúc, phải nương tựa vào chính mình chứ đừng trông mong vào ai cả, kể cả người
mình gần gũi và yêu thương nhất. Nói thì dễ, làm được mới khó, nên thỉnh thoảng
cảm giác bị những người mình tin tưởng, thương mến tặng cho vài "vết đâm" vẫn
diễn ra.
May thay, những năm tháng kèm theo các sự kiện đi qua cuộc đời một người giúp họ
dần trưởng thành. Cá nhân tôi cũng đúc rút cho mình vài điều cơ bản để san lấp
tổn thương (nghe như san lấp mặt bằng nhỉ), hướng đến đời sống tốt đẹp mà mình
mong mỏi.
Một là, đừng bao giờ đánh đồng tri thức với trí tuệ. Một người có nhiều kiến
thức, bằng cấp không đồng nghĩa với việc người đó sở hữu trí tuệ cao dày. Trí
thông minh kiến thức và tâm hồn thanh khiết cao nhã không nhất thiết phải tồn
tại trong cùng một con người. Khi lỡ ở gần người như vậy, sự tổn thương sẽ đến
không sớm thì muộn.
Hai là, người gây cho mình đau khổ có biết điều đó không? Nếu họ vô tư chẳng
biết gì thì mình khổ gấp đôi, vì không ai san sớt nỗi khổ của mình.
Nguồn cơn nỗi đau khổ của mình vẫn đang ung dung tự tại. Vậy thì chỉ có cách tha
thứ cho người ta, cũng là khoan dung với bản thân mình. Nếu người đó liên tục
cho mình cảm giác bất an và độ lùi cảm xúc thì chỉ còn một cách là giữ khoảng
cách vật lý lẫn tâm lý với họ. Và cũng nên nhìn sự việc thật nhẹ nhàng, kiểu
chúng ta không có duyên, không thuộc về nhau. Không cần phải phán xét hay suy
sụp vì những chiếc lá khoai làm gì.
Ba là, khi xảy ra những điều không vui, tôi nhớ lại những điều tốt đẹp nhất đã
có giữa mình và người ta - "ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời". Việc hồi tưởng này
như một cuốn phim có tác dụng nhắc nhở những mốc sự kiện quan trọng của cả hai,
những cảm xúc tích cực (và tiêu cực) đã từng có, những điều đã cùng nhau vun đắp
và gầy dựng. Khi đó, ta sẽ hiểu được mức độ quan trọng của người này trong cuộc
đời mình và quyết định thái độ, cách cư xử đối với họ về sau. Nếu người đó đủ
quan trọng với mình, hãy tìm một dịp thuận lợi để sẽ sàng bộc lộ những điều mà
người ta từng khiến mình khổ sở. Sự vỡ lẽ cũng là một cách duy trì tích cực mối
quan hệ.
Bốn là, nếu cần, hãy viết ra những suy nghĩ đang khiến mình ưu tư. Viết một cách
chân thành và có trách nhiệm nhất với bản thân mình. Tôi thậm chí có lúc còn thu
âm lại một đoạn mình viết, nghe lại và thấy hay như tác phẩm văn học, hahaha. Có
ai đó bảo là hãy viết một cái tiêu đề thật to là "Những điều hóa ra lại không
quan trọng đến thế", sau đó viết ra hết những điều không vui đã xảy ra với bản
thân mình và cách mình chọn bước qua nó.
Năm là, hãy trân trọng và chăm sóc những thâm tình tốt đẹp. Tôi tin rằng một
người tử tế, chân thành, thú vị chắc chắn không thiếu người muốn kết thân. Hãy
chọn lựa trong số đó những người cùng tần số với mình, để lắng nghe và chia sẻ,
để thấy ấm áp vì được chăm sóc, thương yêu, thấu hiểu. Sự độc lập của mỗi người
là tất yếu nhưng sự đồng điệu của hai tâm hồn có sức mạnh của một đôi cánh vô
hình, giúp con người ta bay cao hơn khả năng của họ.
Sáu là, phải tu dưỡng chính bản thân mình, khiến mình trở thành một phiên bản
tốt đẹp hơn mình của ngày hôm qua. Biết đâu mình cũng đã vô ý làm tổn thương
người khác. Khắc phục những thói hư tật xấu của bản thân. Hướng đến những giá
trị bền vững như sức khỏe, sự bình an, lòng biết ơn, tình yêu đích thực, sự sẻ
chia, nỗ lực cống hiến và khát vọng hiểu biết.
Tôi từng nghĩ rằng càng lớn thì người ta sẽ càng ít bị tổn thương, do đã vững
vàng hơn trong cuộc đời. Nhưng rồi tôi nhận ra không phải như vậy. Những cú tổn
thương của người lớn, người già thường đau đớn và sâu hoắm hơn so với người trẻ.
Đơn giản, vì người lớn đủ hiểu biết để nhận ra nông sâu của vấn đề. Sự tự tin,
háo thắng của ngày trẻ cũng đã nhường chỗ cho chiêm nghiệm, đằm thắm. Cho nên,
đã không tổn thương thì thôi, mà lỡ tổn thương thì phải mất khá lâu mới phai
nhạt vết. Vì vậy, kiểm soát lời nói và hành động với những người mà ta yêu
thương – những người đang cùng ta già đi – là điều nhất định phải làm.
Đức tin, sách vở, nghệ thuật, lao động… là những điều nâng cấp tâm hồn ta mỗi
ngày. Duy chỉ có lòng lành mới giúp ta vượt qua tổn thương và cố gắng không làm
người khác tổn thương.
Tác giả: Diễm Trang (Maritza Ti)