Thế nào là yêu thương bản thân ?


Thân thể, tâm hồn của mỗi người sướng hay khổ đều do tích cách, sở thích, thói quen, nỗi sợ của người đó quyết định. Khi bạn ở nhà thông thường đều rất thoải mái vì nhà là nơi yêu thương và an toàn, bạn chẳng có gì để mà đề phòng cả nên có thể bật chế độ thư giãn và hưởng thụ (trừ những ngôi nhà thiếu thốn tình yêu)

Một tên tội phạm đang chạy trốn thì ngày này sang tháng khác luôn có tâm thái đề phòng, người phải gồng lên, cảnh giác cao độ và nghi ngờ, dò xét bất cứ ai họ gặp. Thậm chí tối ngủ không an giấc và luôn dằn vặt lương tâm, đó là trạng thái rất căng thẳng và khổ sở.

Ngược lại một người một người mà bao quanh họ là đám bạn chí thân và chẳng có điều gì phải lo lắng, trăn trở hoặc phiền muộn. Người đó sẽ luôn tràn ngập năng lượng và ở trạng thái "thả lỏng" rất cao vì không cần đề phòng bất cứ điều gì.

Như vậy người có nhiều nỗi sợ bên trong hẳn rằng cuộc sống sẽ chẳng dễ dàng gì. Thông thường chúng ta sợ vì chúng ta mù thông tin về vấn đề đó hoặc chưa từng làm thử, sợ thất bại, sợ bị đánh giá hoặc phán xét. Chúng ta đứng trong vùng an toàn và chưa dám đối mặt với thứ mình sợ hãi.

Đôi khi vì sợ điều mình lo lắng xảy ra mà luôn bồn chồn, bất an, thậm chí trút năng lượng tiêu cực lên bất kỳ đối tượng nào cảm thấy có khả năng hiện thực hoá nỗi sợ của bạn. Muốn đạt được chân thực của hạnh phúc và bình an cần phải triệt tiêu được mọi nỗi sợ.

Hầu hết chúng ta ai cũng đều sợ chết, sợ là bởi vì mấy ai đã trải qua cảm giác sinh tử cận kề, hoặc là chết đi sống lại. Bởi vì chẳng hiểu nó ra làm sao, có cái gì phía sau sự sống, chưa trải qua nên mới sợ. Còn những người đã vào sinh ra tử, đối mặt với cái chết vô số lần lại có vẻ can trường, mạnh mẽ. Đó là sự tôi luyện.

Cũng có những người thực sự là đã chết đi rồi, được trải nghiệm cảm giác của cái chết (cận tử) hầu hết đều kể về kinh nghiệm đó trong một tâm thái tích cực. Thậm chí tính cách họ cũng có nhiều sự thay đổi do khi không còn sợ cái chết thì các nỗi sợ khác là nhỏ bé, không đáng để sợ.

Vậy muốn triệt tiêu được nỗi sợ cách tốt nhất chính là đối diện với nó, trải nghiệm nó, vượt qua nó. Có những thứ đáng sợ nhưng không nguy hiểm như: phát biểu trước đám đông, người yêu chia tay, sợ bị hiểu nhầm, sợ học môn bạn không thích...

Bạn thấy tụi trẻ con chứ, nếu nó chưa bao giờ sờ tay vào bát canh nóng mà bạn cứ bảo nó là nóng đấy thì nó vẫn chẳng có chút sợ hãi nào. Đơn giản vì nó chưa "kinh nghiệm" điều đó. Còn nếu bé chạm vào và bị nóng lần sau tự nhiên sẽ sợ mà biết cách hành xử hơn. Khi lớn lên vẫn là đứa trẻ ấy lại không còn sợ bát canh nóng nữa đơn giản bởi vì nó đã có rất nhiều kinh nghiệm để bê bát canh một cách an toàn.

Vậy là hiểu biết, kinh nghiệm về sự vật, sự việc, hiện tượng sẽ giúp chúng ta triệt tiêu được nỗi sợ. Còn nếu con bạn bị bỏng và từ đó bạn cấm con không được lảng vảng gần nước sôi thì có thể nó sẽ sợ hãi cả đời. Vậy nên trải nghiệm cái gì cũng tốt cho dù trải nghiệm đó có tiêu cực. Ít nhất thì bạn cũng có thể biết nó tiêu cực nhưng không đáng sợ.

Vấn đề là thời nay mọi người có quá nhiều nỗi sợ bên trong, bởi vì đã quen thuộc rồi nên cũng không ý thức được rằng sợ hãi và bất an khiến bạn khổ sở như thế nào. Có những người nói rằng họ cảm thấy ổn vì đang ở trong vùng an toàn nhưng nếu hoàn cảnh xô đẩy họ bước vào vùng nguy hiểm liệu rằng có còn ổn?

Vả lại các năng lượng tiêu cực còn nằm lại trong người trì kéo họ xuống khiến họ ở trong vòng vô minh mà không hề hay biết. Vô minh thì không thể có hạnh phúc được vì đang xa rời sự thật. Giống như việc một đứa trẻ sinh ra trong nhà tù đối mặt với bốn bức tường nó cũng chẳng biết cái gì là "thế giới" bên ngoài cả. Nó coi nhà tù chính là thế giới của nó. Người vô minh cho rằng chết là hết nên sẽ tận lực hưởng thụ cuộc sống và bỏ qua các giá trị đạo đức.

Muốn triệt tiêu nỗi sợ chỉ có lý thuyết là chưa đủ, cần phải thông qua thực hành mà rèn giũa. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Ngọc cũng nhờ mài nên mới sáng, nếu không cũng chỉ là nguyên liệu trong kho mà thôi, chưa mang đi trưng bày được.

Vậy thực hành như thế nào? Chúng ta đều biết tâm là gốc của vạn sự. Người có tâm địa tốt ắt hẳn biểu hiện ra ngoài cũng tốt. Người hay làm việc tốt hẳn rằng ít có kẻ thù, nhờ vậy mà ít phải lo lắng đề phòng, tâm luôn an lạc, thanh thản. Nhưng nếu không có tri thức, trí tuệ thì cũng chẳng hề chắc chắn việc mình đang làm có tốt không, có đúng đắn không. Mà không chắc chắn sẽ gây tâm lý do dự, bất an, hoang mang nên cũng không có được hạnh phúc.

Vậy thì trước khi muốn trở thành người tốt cần phải là người hiểu biết đã. Không có hiểu biết thì chẳng khác nào đứa trẻ vô tri có thể gặp nguy hiểm khi không biết xử lý vấn đề. Cách nhanh nhất để trở nên có sự hiểu biết đúng đắn đó là đọc sách.

Sách là bạn, sách cũng là thầy. Sách chính là sự kết tinh trí tuệ của người viết, họ đã rèn giũa bản thân và phải trả giá nhiều để chắt lọc cho bạn cái tinh túy của họ. Đọc sách là cách để rút ngắn lại hành trình hoàn thiện bản thân. Có tri thức để nhận biết thế nào là đúng, thế nào là sai để có thể tự tin bước đi trên hành trình tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời.

Và tất nhiên là tâm an thì trí sáng, trí sáng thì hiểu rõ vạn sự nên có thể thong thả, điềm nhiên tận hưởng cuộc sống trong hân hoan và tỉnh thức. Thử tưởng tượng xem cảm giác của bạn khi một mình đứng trước thảo nguyên rộng lớn cây cỏ xanh ngát. Bạn tha hồ hò hét... chạy một vòng, thậm chí là nhắm mắt mà chạy, lăn lộn, giãy dụa và thả lỏng cơ thể hết cỡ. Chỉ 2 chữ thôi: "Tự do". Bạn được thư thái, giải phóng bản thân khỏi mọi nỗi sợ hãi tiềm tàng.

Nếu đem so với việc di chuyển nơi đường phố lại luôn phải tập trung, để ý, cảnh giác, nhanh tay, nhanh mắt. Đó là giải phóng nỗi sợ trong tâm trí, khi không còn nỗi sợ hãi bạn sẽ có cảm giác, an toàn, thanh bình, phấn khích, vui vẻ, yêu đời, tự tin, bay bổng. Theo các trạng thái cảm xúc đi lên thì thân thể cũng theo đó mà buông lỏng rơi vào trạng thái thư giãn sâu sắc.

Điều này giống với việc hành thiền, khi thiền chính là buông bỏ những nỗi sợ hãi vô thức hoặc cố hữu, có cảm giác thanh bình và an lạc nên dần dần trí tuệ mới khai mở. Trí tuệ khai mở thì bắt đầu hiểu được các quy luật và biết cách làm chủ cuộc đời mình, nắm chắc được vận mệnh của mình, vững vàng trên hành trình phía trước.

Yêu mình chính là tôn trọng cảm xúc của mình. Thích thì nói là thích, không thích thì bảo là không thích. Nếu cứ giữ trong lòng rồi lại tự ấm ức một mình tức là mình đang làm khổ mình. Còn nếu cảm thấy tình yêu thương của mình đủ rộng lớn để bao dung cho hành động của người thì lại là chuyện khác.

Hiểu được mình, hiểu được luật chơi gọi là biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Đâu còn cái gì để mà lo lắng. Không còn lo lắng sẽ có an yên và hạnh phúc. Hãy thử tượng tượng khi bạn không còn nỗi sợ nào nữa cộng với một tâm hồn hướng thượng, hướng thiện, hướng về ánh sáng, tình yêu, niềm vui thì cảm xúc sẽ thế nào? Chủ đề này quá rộng lớn nên xin phép chỉ phân tích đến đây thôi.

Hoàng Nhật Minh