Mọi nguyện cầu được thành tựu hay không đều không qua khỏi nghiệp của mỗi người, liên quan đến cái gọi là đồng nghiệp, biệt nghiệp, định nghiệp, bất định nghiệp...
Trong cuộc tranh cử tổng thống diễn ra tại nước Mỹ, giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Kamala Harris, 56 tuổi, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, được sinh ra tại California Mỹ, nhưng thường được mẹ đưa về Nam Ấn Độ, quê hương của bà. Harris chịu ảnh hưởng tích cực của ông ngoại, là một quan chức dân sự cấp cao của Ấn Độ1. Ngày bầu cử tổng thống chính thức, tại ngôi đền chính của làng, nơi có khắc tên Harris, khoảng 60 người dân địa phương đã làm lễ cầu nguyện và mộc dục cho Dharma Sastha, hiện thân của thần Ayyappan theo đạo Hindu. Cả làng họ đều ủng hộ bà. Họ hy vọng bà sẽ giành chiến thắng. Đó là lý do khiến họ tiến hành lễ cầu nguyện đặc biệt này.
Song song đó, một nhóm Ấn Độ khác, tín đồ của Hindu Sena, lại cầu nguyện cho Donald Trump. Họ muốn đương kim tổng thống Mỹ tái đắc cử để kiểm soát các đối thủ chính của Ấn Độ là Pakistan và Trung Quốc2. Do mục đích này mà dân ở chỗ này thì cầu cho đảng Cộng hòa thắng, dân ở chỗ kia thì cầu cho đảng Dân chủ thắng.
Thực tế, không phải mọi lời cầu nguyện đều được đáp ứng. Như cuộc tranh cử kia, chỉ có thể có một đảng thắng, hoặc Cộng hòa hoặc Dân chủ, không thể cả hai. Điều đó có nghĩa lời cầu nguyện của một nhóm sẽ không được đáp ứng. Đó là việc chắc chắn. Vậy thực chất của việc cầu nguyện là gì? Nó có thực sự được đáp ứng bởi các đấng tối cao?
Cầu nguyện qua cái nhìn của một con chiên
Một người kể rằng3:
Khi tôi còn là một người theo chủ nghĩa vô thần, tôi có một người bạn rất hay cầu nguyện. Mỗi tuần tôi đều được nghe một câu chuyện mà cô tin là Chúa sẽ lo liệu cho cô. Và mỗi tuần tôi đều thấy việc đáp ứng lạ lùng ấy. Thật là khó khăn cho một kẻ vô thần như tôi phải chứng kiến điều đó từ tuần này sang tuần khác. Không lâu sau, loại lý lẽ “chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên” của tôi dần trở nên yếu ớt.
Có điều, tại sao Đức Chúa Trời lại đáp ứng lời cầu nguyện của bạn tôi? Lý do lớn nhất là cô ta có mối liên hệ với Chúa. Cô ta muốn theo Chúa và thật sự lắng nghe những gì Chúa phán. Trong tâm trí cô, Đức Chúa Trời có quyền hướng dẫn cuộc đời cô và cô sẵn lòng để ngài làm điều đó. Khi cô cầu nguyện thì đó như là một phần trong mối liên hệ với Chúa. Cô cảm thấy thật dễ chịu khi đến với Chúa để trình bày những nhu cầu, những nỗi bận tâm và bất cứ vấn đề gì đang xảy ra trong đời sống của cô. Hơn nữa, cô tin chắc những gì cô đọc trong Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời muốn cô tin cậy như thế. Cô bày tỏ cho mọi người thấy lời tuyên bố của Kinh Thánh sau đây là đúng: “Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa. Nếu chúng ta theo ý muốn ngài mà cầu xin điều gì thì ngài nghe chúng ta… Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai ngài lắng nghe lời cầu nguyện người…”.
Đức Chúa Trời không nhậm tất cả lời cầu nguyện của mọi người, là do họ không có mối liên hệ với Chúa. Họ có thể biết Đức Chúa Trời đang tồn tại, thậm chí họ vẫn đang thờ phụng Chúa, nhưng những ai chưa từng được đáp ứng lời cầu nguyện thì hầu như không có mối liên hệ gì với Chúa. Họ chưa từng tiếp nhận sự tha thứ trọn vẹn của Chúa cho những tội lỗi của họ. Bạn có thể hỏi, vậy điều đó phải hiểu như thế nào? Đây là lời giải đáp “Này, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn để không cứu được, tai ngài cũng chẳng nặng nề để không nghe được. Chỉ là sự gian ác của các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời, tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt ngài khỏi các ngươi, đến nỗi ngài không nghe các ngươi nữa”.
Theo cái nhìn đó, lời cầu nguyện được đáp ứng là có, nhưng có điều kiện. Ắt hẳn là vậy. Vì thế giới này là thế giới duyên khởi, không có gì xuất hiện mà không có nhân duyên. Điều kiện đó là, bạn phải có mối liên hệ mật thiết với đấng tối cao trong lòng bạn. Mối liên hệ này được hiểu là làm theo những gì Đức Chúa Trời đã dạy, thông qua Kinh Thánh, và phải từng tiếp nhận sự tha thứ trọn vẹn của Chúa cho những tội lỗi của mình, không chỉ dừng ở mặt thờ phụng. Bạn phải là kẻ lương thiện và biết chí tâm sám hối những tội lỗi đã phạm một cách chân thành. Bởi tội lỗi chính là thứ làm bạn bị ngăn cách với Thượng đế và “Chúa cứu thế là giải pháp duy nhất của Thượng đế cho vấn đề tội lỗi của chúng ta. Nhờ ngài, chúng ta mới có thể nhận biết và kinh nghiệm tình thương yêu cũng như chương trình của Thượng đế cho đời sống của mình”4. Cái nhìn này không khác Phật giáo bao nhiêu. Chỉ là Phật giáo còn nói sâu vào thực chất của những hiện tượng đó.
Cầu nguyện qua cái nhìn của một Phật tử
Cầu là xin một sự trợ giúp. Những gì mà quyết định thành tựu không nằm trong tầm tay mình thường khởi tâm cầu xin. Một hành động khá quen thuộc trong đời sống thường nhật của con người. Hoặc là một sự cầu xin có đối tượng rõ ràng. Lạy trời đừng có kẹt xe. Hoặc là một sự cầu xin không có đối tượng. Cầu mong đừng kẹt xe. Chỉ là xin đừng kẹt xe, còn xin ai thì không rõ. Nó diễn tả một mong muốn, và hy vọng mong muốn đó được trợ giúp để thành tựu.
Nguyện là mong muốn, cũng có nghĩa là cầu xin.
Cầu nguyện là xin, xin một sự trợ giúp để những mong muốn của mình được thành tựu.
Trong Phật giáo, không phải không có cầu nguyện, nhưng do tin hiểu nhân quả, biết mọi thứ trên đời muốn được quả thì phải tạo nhân, không chỉ cầu xin mà được. Không tạo đúng nhân thì cầu xin bao nhiêu cũng không toại nguyện. Còn đã tạo đúng nhân tương ưng thì dù không cầu xin quả vẫn hiện rõ ràng. Nên trong Phật giáo, thấy dùng từ “nguyện” nhiều hơn “cầu nguyện”, dù trong nhiều việc, nguyện ấy bao gồm luôn cả cầu. Nguyện diễn tả một mong muốn được thành tựu trong tương lai mà hiện tại chưa làm được, hoặc làm được mà bằng phương thức gián tiếp như hồi hướng công đức xin bình an cho một ai đó, thành tựu một việc gì đó v.v...
Ngay cả khi đã tin vào nhân quả, trong tình thế cấp bách hoặc khó khăn, cầu nguyện vẫn là việc thiết yếu đối với một Phật tử. Bởi con người là một sinh vật bé nhỏ giữa dòng đời bất tận, cần một sự trợ giúp từ chư Phật hay Bồ-tát.
Khi cầu nguyện, tâm trở nên tĩnh lặng và tập trung. Đó là việc khá tốt cho đời sống nhân loại khi những cầu nguyện mang tính chân, thiện, mỹ.
Mọi nguyện cầu đều được thành tựu nếu hội đủ duyên
Kinh luận cũng như thực tế cho thấy việc cầu nguyện muốn thành tựu, chỉ cần hội đủ nhân duyên, không lệ thuộc vào việc được cầu nguyện là lành hay dữ. Bạn có thể khiến một ác quả được thành tựu nếu đáp ứng đủ nhân duyên cho nó. Vua Lưu Ly giết được dòng họ Thích, trong đó có cả những kẻ tu đạo thanh tịnh, toàn trí toàn bi như Phật vẫn không thể cứu, là do dòng họ Thích đã tạo một ác nghiệp và vua Lưu Ly đã phát lời nguyện “Đời trước nếu có chút ít phước báu nào đều dùng để báo oán”5. Ông mang hết phước báu đã có để mong thành tựu một ý nguyện trong tương lai. Nhân duyên hội đủ và việc tựu thành.
Angulimala trước khi gặp Phật và chứng Thánh quả, là một tên thợ săn tàn bạo, giết người không gớm tay. Nhưng sau khi chứng Thánh quả, ông thấy bất nhẫn cho những khổ nạn của chúng sinh. Một lần vào thành khất thực, ông chứng kiến một phụ nữ đang đau đớn và nguy kịch trong khi sinh nở. Theo lời Phật dạy, ông mang công đức mình đã có khi tu tập hồi hướng cho bà, mong bà được bình an. Và người phụ nữ được bình an.
Những năm còn trên ghế nhà trường, dù là tiểu học hay trung học, câu niệm Phật luôn là lá bùa che tôi thoát nạn trả bài. Cũng là lá bùa che tôi thoát nạn sông nước v.v. Hết thảy đều nương vào câu niệm Phật.
Điều đó cho thấy việc cầu mong, dù là thiện hay bất thiện, đều được toại nguyện khi nhân duyên tạo ra nó được hội đủ. Nhân duyên đó chính là thiện nghiệp. Như kinh Địa Tạng bổn nguyện nói: “Trong đời sau như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào, muốn cầu trăm ngàn muôn ức điều nguyện, thời chỉ nên quy y, chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng. Được như thế, thời nguyện những chi, cầu những chi, thảy đều thành tựu”. Thiện nghiệp ở đây chính là quy y, chiêm ngưỡng…, và chỉ nên làm những việc như thế. Thiện nghiệp của vua Lưu Ly là phước báu trong quá khứ, của Tôn giả Angulimala là công đức tu hành trong hiện đời, của người phụ nữ Cơ Đốc giáo là tâm hướng Chúa và làm theo những gì Chúa đã dạy, còn tôi là câu niệm Phật. Đó là những thiện nghiệp giúp thành tựu các mong muốn.
Với những cầu xin, không chỉ trong phạm vi của mình mà có liên quan đến người khác, như cầu cho người phụ nữ đang sinh nở, cầu cho việc tàn sát dòng họ Thích được thành tựu, đều phụ thuộc ít nhiều vào nhân duyên của đối tượng được cầu nguyện và mối liên hệ nhân duyên với nhau. Thiện và ác nghiệp của đương sự quyết định không nhỏ trong việc cầu xin hay mong muốn này. Người phụ nữ, nếu không có ít nhiều thiện nghiệp và không có duyên với Tôn giả Angulimala thì khó mà nhận được lời hồi hướng của Tôn giả. Dòng họ Thích, nếu không tạo cái nhân sát sinh với tiền thân của vua Lưu Ly, cũng không thể mắc lời nguyện của vua Lưu Ly. Vì lời cầu nguyện không thể tác động đến đối phương nếu không có nhân duyên hoặc nhân duyên không đủ, như bài kinh Tương ưng Thôn trưởng, trong kinh Tương ưng bộ nói:
Khi Thế Tôn trú ở Nālandā, một Thôn trưởng đã đến và hỏi:
- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn trú ở phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ, nhờ nước được thanh tịnh.
Những người thờ lửa, khi một người đã chết, họ nhấc bổng và mang vị ấy ra ngoài, kêu tên vị ấy lên và dẫn vị ấy vào thiên giới. Còn Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh đẳng giác sẽ làm gì cho toàn thế giới sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú và thiên giới?
Đức Phật đã dùng hai ví dụ để trả lời câu hỏi của Nālandā.
- Này Thôn trưởng! Có người lấy một tảng đá lớn ném xuống hồ nước sâu. Rồi một đám đông tụ hội lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi khắp và nói: “Hãy đứng lên, này tảng đá! Hãy nổi lên, này tảng đá! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá!”. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng! Tảng đá lớn ấy có do cái nhân cầu khẩn của đám đông, có do cái nhân tán dương, có do cái nhân chắp tay đi khắp của đám đông mà nổi lên và trôi dạt vào bờ?
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
- Cũng vậy, này Thôn trưởng! Có người sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, phù phiếm, tham lam, sân hận, tà kiến, đến khi sắp mạng chung, có một đám đông tụ hội lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi khắp và nói: “Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên thiện thú và thiên giới”. Song người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, vẫn sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
- Này Thôn trưởng! Có người nhấn một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu, rồi đập bể ghè ấy. Ghè ấy tan vụn và chìm xuống nước, còn dầu thì nổi lên trên. Một đám đông tụ hội lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi khắp và nói: “Hãy chìm xuống, này dầu! Hãy chìm sâu xuống, này dầu! Hãy chìm xuống tận đáy, này dầu!”. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng! dầu ấy có do cái nhân cầu khẩn, có do cái nhân tán dương, có do cái nhân chắp tay đi khắp của đám đông mà chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay chìm xuống tận đáy không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này Thôn trưởng! Có người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh, từ bỏ nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, phù phiếm, không có tham, sân và theo chánh tri kiến. Người ấy khi sắp mạng chung, được một đám đông tụ hội lại, cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi khắp và nói: “Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”. Song người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sinh lên thiện thú và thiên giới.
Bài kinh trên cho thấy nghiệp của mỗi người là thứ quyết định đường đi của người ấy. Lời cầu nguyện bên ngoài nếu không thuận với nghiệp của người, đều không có tác dụng, nhất là với loại định nghiệp.
Việc hướng nguyện chỉ có tác dụng khi nghiệp của người không phải là định nghiệp và người cầu cũng như người nhận có mối quan hệ nhân duyên, dù là thuận hay nghịch. Đó là lý do Phật dạy trong kinh Địa Tạng bổn nguyện rằng: “Quyến thuộc đã sớm khuất, nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào ác đạo, tính ra phải chịu đến số kiếp, nay nhờ công đức tô vẽ, chiêm lễ, cúng dường hình tượng ngài Địa Tạng của con cái hay anh chị em, liền được giải thoát, sinh lên cõi trời, cõi người, hưởng quả vui thù thắng vi diệu”. Hai bài kinh thấy nghịch nhau, nhưng thật là không nghịch. Chỉ là đủ nhân duyên hay không đủ nhân duyên. Lời nguyện của Tôn giả có tác dụng với người phụ nữ vì nhân duyên đã hội đủ. Tức lời hướng nguyện cho một ai đó vẫn có tác dụng xoay chuyển nghiệp của người, không phải không có. Điều kiện cần ở đây là nhân duyên đã tạo ra với nhau, thông qua những mối quan hệ. Người phụ nữ từng gieo duyên lành với Tôn giả Agulimala, giờ đủ duyên nhận lại được lời hướng nguyện. Người chết từng gieo duyên lành với con cái, anh chị em v.v., nhờ duyên lành đó mà lời hướng nguyện có tác dụng. Bà Thanh Đề, do nhân duyên cúng dường một lon gạo cho tiền thân của Tôn giả Mục Kiền Liên nên về sau nhận được lời hướng nguyện của ngài cùng với chư Tăng, thoát kiếp địa ngục và sinh thiên. Đó là những nhân duyên theo hướng thuận. Với những nhân duyên theo hướng nghịch, như Tôn giả Angulimala từng xâm hại đến nhiều người, nhân nghịch duyên đó, lời hướng nguyện của Tôn giả cũng sẽ có tác dụng với người được hướng nguyện, như một sự trả nợ.
Tùy duyên mà lời cầu nguyện có tác dụng khác nhau
Thực tế là việc cầu nguyện thấy lúc được, lúc không. Có việc cũng thành tựu mà chậm. Có việc cầu thì liền được. Đó là vì mọi thứ đều tùy thuộc vào phước đức hay thiện nghiệp của bản thân và người được hướng nguyện. Như trường hợp Tôn giả Agulimala hồi hướng, người phụ nữ liền được. Đối với bà Thanh Đề, công đức của Thánh Mục Kiền Liên không đủ giúp bà chuyển tâm, phải nhờ đến lực của năm trăm vị A-la-hán khác thì bà mới chuyển tâm, sinh thiên.
Có nhiều người cầu xin cho việc đủ ăn thôi đã khó. Vì cầu thì có mà thiện nghiệp phước báu không đủ để lời cầu nguyện được thành tựu. Lời cầu nguyện chỉ thành tựu khi đương sự biết tạo thiện nghiệp trong hiện đời. Như Phật dạy muốn giàu sang thì phải bố thí. Nghèo không có gì để bố thí thì dùng công sức mà bố thí, như đến chùa làm công quả, giúp đỡ người khác v.v. rồi hướng nguyện thiện nghiệp đó cho việc sung túc. Không tài mà cũng không sức thì phải biết niệm Phật, rồi hồi hướng phước đức đó cho việc sung túc. Phải tạo phần thiện nghiệp tương ưng thì mọi thứ mới thành tựu. Thành tựu là nhờ đủ duyên. Những gì thuộc định nghiệp thì phước đức hay thiện nghiệp hiện đời khó xoay chuyển, nhưng sẽ được cái quả ở tương lai. Vì thế vẫn nên tạo thiện nghiệp.
Nhiều người cầu thấy liền được dù không thấy tạo thiện nghiệp bao nhiêu, là do phước báu đã có trong quá khứ, chỉ là ẩn đó, giờ cần một lời hướng nguyện để khai mở, coi như đủ duyên, nên xuất hiện.
Nói chung, tùy duyên mà việc cầu nguyện hoặc là thành tựu, hoặc là không, hoặc là mau, hoặc là chậm.
Duy tâm sở hiện
Mọi thứ đều từ tâm hiện, Phật ngoài không khác với Phật của chính mình. Mọi người đều có Phật tánh v.v. là phần giáo lý thâm sâu của Phật giáo. Cũng là phần lý mà do đó Phật xuất hiện ở đời. Chỉ cần ngộ nhập lại phần tri kiến này thì mọi thứ đều đầy đủ. Tri kiến ấy đầy đủ trong mỗi chúng sinh, nhưng chúng sinh không thể sử dụng được như Phật, cũng không có lực dụng thần thông như Phật, là do một niệm bất giác sơ khởi, tâm động. Chính cái động đó mở đầu cho mọi loạn động về sau. Tâm chúng sinh không còn tĩnh lặng tỉnh giác để dụng cho được phần tri kiến Phật của mình, cứ theo lực động đó mà đi, ngày càng tán loạn. Càng tán loạn thì càng vô minh. Đã vô minh thì tam nghiệp tạo bất thiện nghiệp càng nhiều, càng xa rời ông Phật của mình. Hướng tâm cầu nguyện mong muốn thành tựu một ước nguyện, theo cách như Con chiên hay của Phật tử, là bước đầu hướng tâm trở lại phần tĩnh lặng của tâm, khai mở những gì từng lưu giữ.
Nếu đã có một hướng nguyện cao cả từ quá khứ, thì thiện nghiệp có khi giúp thành tựu một ước nguyện trong hiện tại, có khi giúp phá bỏ một ước nguyện trong hiện tại. Các ước nguyện này không phải là ước nguyện cao cả đã phát từ trước. Chẳng hạn, trong quá khứ bạn đã phát Bồ-đề tâm, nhưng điều đó không có nghĩa bạn đã điều phục được tham sân hoàn toàn. Bởi ngoài phần hiện hành chưa thể điều phục xong, còn phần tập khí ẩn sâu trong tạng thức, Bồ-tát ra đời lại cách ấm còn mê, nên trong hiện đời không tránh khỏi những nguyện cầu mang tính tham dục hay do sân hận mà ra. Tùy thiện nghiệp cũng như việc khai mở ở tự tâm mà những nguyện cầu này được thành tựu hay không, miễn nó luôn giữ bạn đi trên con đường mà hướng nguyện cao cả chính là lực chủ đạo.
Niệm Phật cầu trợ lực cho việc không thuộc bài là một cầu nguyện không chính đáng. Tuy vậy, nếu không có những thành tựu đó thì một đứa con nít như tôi không biết dựa vào đâu để có niềm tin với chư Phật, sẽ không có việc niệm Phật dài lâu, khó mà huân tiếp chủng tử lành vào tạng thức. Tôi cũng sẽ không dùng nó để vượt qua những khổ nạn, là duyên giúp tôi quay lại con đường mình đã chọn. Song, không phải mọi mong cầu không chính đáng của tôi đều được đáp ứng. Tất cả mọi nguyện cầu được đáp ứng hay không, phụ thuộc vào việc nó có làm chướng ngại con đường hướng thượng của tôi hay không. Nếu nguyện cầu đó làm chướng ngại con đường tôi đang đi, thì dù nó chính đáng bao nhiêu, vẫn không thành tựu. Diệu dụng của việc phát Bồ-đề tâm là ở đó. Một khi đã có hướng nguyện cao thượng làm chủ lực thì mọi ước nguyện còn lại cứ theo đó mà đi. Hoặc là bạn được thỏa mãn. Hoặc là bất như ý xảy ra. Song tất cả đều là diệu dụng của tự tâm. Mà việc chí tâm phát nguyện Bồ-đề vô thượng là bước đầu giúp bạn khai mở lại tự tâm của chính mình.
Rốt cuộc rồi...
Việc ai làm tổng thống nước Mỹ tùy thuộc vào nghiệp của chính đương sự. Nếu làm tổng thống là định nghiệp thì dù được hướng nguyện hay không, việc cứ theo đó mà thành tựu. Nếu là bất định nghiệp, việc cầu nguyện tùy thuộc vào thiện và ác nghiệp của đương sự trong hiện đời, cộng với lời hướng nguyện của người đời. Lời hướng nguyện của số đông sẽ có giá trị hơn là những biệt nghiệp riêng lẻ.
Nhưng thường…
Những gì mang tính lớn lao, liên quan mật thiết đến toàn thế giới như thế, lời cầu nguyện cũng như thiện nghiệp trong hiện đời không phải là thứ quyết định. Mọi thứ đã được sắp đặt như một loại định mệnh. Một sự sắp đặt của cái gọi là cộng nghiệp. Nói đến cộng nghiệp thì tùy nghiệp của nhân loại đã tạo mà có các hiện tượng hiện nay. Đó là lý do vì sao lời tiên tri về một thế giới trong tương lai thường đúng. Vì mọi thứ đã được lập trình theo nhân và duyên của nó. Nhân duyên tạo ra trong hiện đời dành cho một thế giới tương lai.
Nói chung, mọi nguyện cầu được thành tựu hay không đều không qua khỏi nghiệp của mỗi người, liên quan đến cái gọi là đồng nghiệp, biệt nghiệp, định nghiệp, bất định nghiệp v.v.
Nhân nơi công đức này, nguyện tất cả chúng sinh đều tạo thiện nghiệp để thế giới được an bình trong hiện tại và tương lai.
Chân Hiền Tâm/Nguyệt san Giác Ngộ